Những món ăn nhẹ sau đây được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng để hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu cho người mắc bệnh đái tháo đường.
Theo PGS.TS.BSCC. Tạ Văn Bình – Chuyên ngành Nội tiết – Chuyển hóa, việc ăn đúng giúp chế độ duy trì được lượng đường máu phù hợp, không gây thừa đường, gây nhiễm độc đường hoặc không gây ra hạ đường máu do thực hiện chế độ ăn khắc khổ, thiếu năng lượng. Người bệnh đái tháo đường nên ăn chính vào bữa ăn sáng, trung bình vào bữa ăn trưa, ăn nhẹ vào bữa ăn tối (mức độ dựa vào lượng tinh bột – mức carbohydrates). Với bữa ăn phụ cần hợp lý với giai đoạn bệnh, nghề nghiệp và thói quen dinh dưỡng.
Tham khảo 5 món ăn nhẹ phù hợp với bữa ăn phụ của người bệnh đái tháo đường:
1. Ăn nhẹ với các loại hạt hoặc bơ hạt với trái cây
Theo Robert Iafelice, chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Hoa Kỳ, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng hoặc macca là lựa chọn tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì chúng giàu protein, chất béo và không có tác động đáng kể đến lượng đường trong máu.
Chuyên gia Iafelice cũng khuyên nên kết hợp bơ hạt không đường với trái cây tươi. Mặc dù trái cây có đường nhưng đường dạng fructose được hấp thụ chậm hơn so với carbs từ ngũ cốc. Thêm vào đó, bơ hạt còn làm chậm tác động lên lượng đường trong máu.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy các loại hạt cũng có thể chứa các hợp chất có đặc tính chống lại bệnh đái tháo đường. Ví dụ, một đánh giá năm 2017 đã báo cáo rằng chất béo có lợi cho tim có trong các loại hạt hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn, trong khi chất xơ và polyphenol bảo vệ chống lại bệnh đái tháo đường bằng cách thay đổi vi khuẩn có lợi trong ruột.
2. Sữa chua Hy Lạp với quả mọng
Sữa chua Hy Lạp ít béo hoặc không béo là một lựa chọn ăn nhẹ bổ dưỡng, ít carb khác giúp duy trì kiểm soát lượng đường trong máu khỏe mạnh. Sữa chua Hy Lạp có hàm lượng protein cao giúp ổn định lượng đường trong máu. Chuyên gia Iafelice khuyên nên trộn sữa chua Hy Lạp với các loại quả mọng để giúp làm ngọt tự nhiên.
Điều thú vị là nghiên cứu liên kết việc tiêu thụ 80 – 125g sữa chua mỗi ngày giúp giảm 14% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Hơn nữa, một số loại sữa chua còn chứa men vi sinh có lợi giúp điều chỉnh quá trình chuyển hóa đường.
3. Bột yến mạch nguyên hạt
Mỗi khẩu phần bột yến mạch nguyên hạt có chứa một lượng lớn tinh bột kháng. Theo Justine Chan, chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Toronto (Canada), loại tinh bột này chống lại quá trình tiêu hóa và giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong ruột. Hơn nữa, những loại thực phẩm này còn chứa chất xơ hòa tan, giúp kiểm soát cơn đói và giảm cholesteron cũng như lượng đường trong máu.
Một số nghiên cứu xác nhận tác dụng có lợi của bột yến mạch. Ví dụ, một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 298 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cho thấy việc bổ sung 50 hoặc 100 gram yến mạch vào chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ đã dẫn đến cải thiện đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn, tình trạng kháng insulin, cholesterol, nồng độ và huyết sắc tố A1C, một dấu hiệu kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.
4. Món ăn nhẹ kết hợp rau với sốt hummus
Sốt hummus có nguồn gốc từ Ả Rập, là loại sốt đặc trưng, hài hòa giữa các nguyên liệu, nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Maroc và khắp Trung Đông. Thành phần chính của hummus là đậu gà kết hợp với sốt tahini (bơ mè), dầu oliu, nước chanh muối và tỏi. Loại sốt này tốt cho người bệnh đái tháo đường do đậu gà có chỉ số đường huyết thấp.
Hummus cũng là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh tuyệt vời vì đậu gà rất giàu protein, tinh bột kháng giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carbs. Chất béo cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbs, giúp giải phóng đường vào máu chậm và ổn định hơn.
Chuyên gia dinh dưỡng Chan cho biết, việc kết hợp rau và sốt hummus vào bữa ăn nhẹ hỗ trợ cho người bệnh đái tháo đường. Rau là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời, có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và ngăn ngừa một số biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Kết hợp các loại rau tươi như dưa chuột, cà chua bi, cà rốt hoặc ớt chuông với món hummus là cách đơn giản để hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng có giá trị hơn vào chế độ ăn uống. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, các loại protein có nguồn gốc thực vật như hummus cũng đặc biệt giàu protein chất lượng cao, chất béo lành mạnh và chất xơ.
5. Đậu nành Nhật tốt cho người đái tháo đường
Edamame (đậu nành Nhật) là một loại đậu nành non thường được luộc hoặc hấp làm món khai vị hoặc món ăn nhẹ. Đậu edamame là một lựa chọn bổ dưỡng cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Theo Justine Chan, edamame là một lựa chọn ăn nhẹ tuyệt vời cho bệnh đái tháo đường, do chứa carbohydrate, chất xơ, protein và chất béo được gói gọn trong một nguồn năng lượng dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy protein đậu nành có trong đậu nành Nhật Bản có lợi cho người bệnh đái tháo đường type 2. Trên thực tế, một phân tích tổng hợp của 11 nghiên cứu đã kết luận rằng protein đậu nành có thể làm giảm lượng đường trong máu và mức insulin lúc đói, giảm mức cholesterol, cải thiện các dấu hiệu kháng insulin.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên, tốt nhất nên chọn đồ ăn nhẹ làm từ thực phẩm nguyên chất thay vì các sản phẩm đóng gói, vì chúng có xu hướng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng hơn, bao gồm chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chế độ ăn lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm được chế biến tối thiểu và từ các nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.