Cúm không chỉ là bệnh lý có tốc độ lây lan nhanh chóng mà còn là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cùng nguy cơ gây tử vong cao nếu không có phương pháp điều trị kịp thời. Vậy có những cách phòng bệnh cúm mùa nào? Đâu là phương pháp hiệu quả nhất?
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có tốc độ lây lan nhanh chóng, do virus cúm (Influenza virus) gây ra. Bất kể ai từ trẻ em đến người lớn đều có thể bị cúm. Virus cúm có đường lây truyền từ người sang người rất dễ dàng, thông thường chỉ cần tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi hay kể cả việc tiếp xúc với bề mặt các vật dụng bị ô nhiễm bởi virus cúm cũng có thể lây bệnh cúm.
Hiện nay có 4 chủng virus cúm khác nhau là virus cúm A, B, C và D. Trong đó, chủng A và B là nhóm virus nguy hiểm hơn cả, lây lan và gây bệnh ở người, là nguyên nhân gây ra dịch cúm theo mùa hàng năm. Hai chủng virus cúm này có cơ chế hoạt động rất linh hoạt, chúng thực hiện trao đổi vật liệu di truyền liên tục và nhanh chóng, khiến hệ miễn dịch của cơ thể người không thể đối phó kịp với những thay đổi này
Cúm thường gây ra các triệu chứng tương tự và dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường như sốt, gây cảm giác ớn lạnh, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, cơ thể yếu ớt, buồn nôn, tiêu chảy,… Nhưng trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này thường kéo dài, có xu hướng biểu hiện nặng nề hơn và có nguy cơ cao gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Cúm mùa lây lan như thế nào?
Cúm mùa lây lan qua đương hô hấp
Cúm mùa lây lan từ người sang người rất nhanh chóng chủ yếu thông qua dịch tiết hô hấp, là các giọt bắn khi người mắc bệnh cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt bắn này có thể sẽ tiếp xúc với mũi, miệng hoặc hít vào phổi của người khỏe mạnh gần đó.
Trong các trường hợp ít gặp hơn, virus cúm có thể lây lan khi người khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt hoặc đồ vật bị ô nhiễm, có chứa virus cúm sau đó đưa tay lên mắt, mũi hay miệng của mình. Chẳng hạn như việc người bệnh hắt hơi và dùng tay che lại nhưng không rửa tay mà vẫn tiếp tục sinh hoạt, chạm vào các bề mặt và vật dụng, lúc này virus bám dính và tồn tại trên bề mặt 48 tiếng (1) cho đến khi người khỏe mạnh chạm vào và bị nhiễm virus cúm.
Tại Việt Nam, bệnh cúm thường bùng phát đỉnh điểm vào tháng 3, tháng 4, tháng 10 và 11. Các triệu chứng của cúm thường bắt đầu khoảng từ 2 đến 4 ngày sau khi virus cúm lây nhiễm vào đường hô hấp. Trong nhiều trường hợp, virus cúm vẫn có thể lây truyền từ người nhiễm virus sang người khỏe mạnh ngay cả khi người bị nhiễm không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Cách phòng bệnh cúm cho trẻ em và người lớn
Bất cứ ai cũng có thể mắc cúm, trong đó trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường,… là các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh cúm nhất.
Cúm không chỉ là bệnh lây lan dễ dàng, nhanh chóng và khó kiểm soát mà còn là bệnh lý có nguy cơ cao gây ra các biến chứng cực kỳ nguy hiểm nếu không được sớm phát hiện và điều trị đúng cách. Các biến chứng điển hình do cúm gây ra bao gồm: hội chứng Reye gây sưng phù ở não và gan, viêm phổi nặng, suy hô hấp, bội nhiễm,… Đối với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây dị tật thai nhi, lưu thai hoặc thậm chí là sảy thai.
Vì thế, cần phải có cách phòng bệnh cúm hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm và tránh được nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
1. Tránh xa đám đông
Với khả năng lây nhiễm cao và tốc độ lây lan nhanh chóng qua đường dịch tiết hoặc qua tiếp xúc, nên hạn chế tụ tập hay đến gần đám đông. Bởi không thể biết chắc ai sẽ là đối tượng bị nhiễm cúm, bất kỳ ai cũng có thể lây nhiễm virus cho mình.
Đối với người đã xuất hiện các triệu chứng điển hình của cúm hoặc đã xác định bản thân đã bị cúm, tuyệt đối không đến những nơi công cộng, đặc biệt là nơi đông người. Có nguy cơ rất cao virus cúm sẽ lây truyền cho mọi người xung quanh.
2. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
Như trên đã đề cập, giọt bắn từ dịch tiết của người bệnh có thể phát tán trong không khí trong bán kính từ 1.8 đến 2m. Vì thế, nên giữ một khoảng cách nhất định, có thể là trên 2m khi tiếp xúc với người bệnh, tốt nhất không nên tiếp xúc để loại bỏ mọi khả năng bị lây nhiễm.
CDC khuyến nghị người bệnh nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt , ngoại trừ việc cần phải tiếp nhận chăm sóc y tế hoặc các nhu yếu phẩm khác. Người bị sốt sẽ hết sốt mà không nhất thiết phải dùng thuốc hạ sốt.
3. Che miệng và mũi khi ho
Sử dụng khẩu trang.
Nên che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và loại bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác. Trong nhiều trường hợp bất khả kháng, có thể nhanh chóng dùng khủy tay để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi thay vì dùng lòng bàn tay vì khủy tay có khả năng tiếp xúc với các vật dụng hay người khác hơn so với lòng bàn tay.
Tốt nhất khi ra ngoài lên sử dụng khẩu trang.
4. Rửa tay thường xuyên
Thường xuyên rửa tay khử khuẩn.
Virus cúm có thể bám lên bề mặt cứng lên đến hơn 48 tiếng đồng hồ nên bất cứ khi nào một người cũng có khả năng cao tiếp xúc với bề mặt hoặc vật dụng bị ô nhiễm bởi virus cúm. Vì thế, cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ, bởi tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc bên ngoài và tiếp xúc trực tiếp với bộ phận dịch tiết hô hấp của bản thân.
Nên rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước ấm trong vòng ít nhất 30 giây. Trong nhiều trường hợp cần thiết phải rửa tay mà không có xà phòng và nước, có thể sử dụng dung dịch rửa tay khô hoặc cồn khử khuẩn.
5. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng
Hạn chế dùng tay chạm lên khuôn mặt, bởi nếu bàn tay đã từng tiếp xúc với bề mặt hoặc vật dụng bị ô nhiễm, virus cúm rất có khả năng xâm nhập qua mũi, mặt, miệng hoặc hít thẳng vào phổi.
6. Tự tăng cường hệ thống miễn dịch cho bản thân
Khả năng lây truyền của virus cúm là vô cùng nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Vì thế, một trong những phương pháp phòng ngừa cúm tương đối hiệu quả là tự tạo ra cho cơ thể một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, có thể giảm thiểu được những hệ lụy xấu do virus cúm gây ra bằng cách:
Sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ cải thiện sức khỏe: Sữa non Goldbest từ GBLife (AMH)
- Xây dựng lối sống khoa học: Duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm, ngủ đủ giấc (trên 7 tiếng mỗi đêm đối với các đối tượng người trưởng thành) để có thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Đồng thời, nên thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe bằng những bài tập thể dục vừa sức hoặc chơi một vài môn thể thao quen thuộc như: chạy bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông, đá bóng,…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo và chất đạm có hại, thay vào đó nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của bản thân các thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây, quả hạch, hạt,…) để tăng cường khả năng chống oxy hóa chống lại các gốc tự do không ổn định; chất béo lành mạnh (cá hồi, dầu ô liu, hạt chia,…) với khả năng chống viêm. Bên cạnh đó, nên tích cực bổ sung thêm các thực phẩm lên men hoặc men vi sinh sữa chua, kim chi, dưa cải muối chua, đậu tương lên men (natto), nấm sữa kefir ,… đây là những thực phẩm chứa nhiều vi sinh có lợi, tăng cường khả năng hoạt động của các tế bào miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, hạn chế tối đa lượng đường trong khẩu phần ăn.
- Uống nhiều nước: Tuy không giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus cúm nhưng là việc làm rất cần thiết nếu chẳng may bị mắc cúm, có thể cải thiện các triệu chứng do cúm gây ra. Bởi trong giai đoạn mắc cúm, người bệnh thường bị hụt dịch do tình trạng thoát nước diễn ra, khiến các triệu chứng sốt trở nên xấu hơn, gây ra nhiều khó chịu và bất tiện cho người bệnh.
- Điều chỉnh cảm xúc tích cực: Cảm xúc tiêu cực, căng thẳng kéo dài có thể làm rối loạn chức năng của các tế bào miễn dịch, thúc đẩy quá trình sinh viêm, khiến cho cơ thể dễ dàng bị virus xâm nhập và tấn công. Vì thế, cần điều chỉnh căng thẳng, cố gắng suy nghĩ tích cực, giữ cho bản thân luôn ở trạng thái cảm xúc cân bằng.
- Sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ cải thiện sức khỏe: Vitamin và các khoáng chất luôn là cái tên hàng đầu trong việc cải thiện chức năng của hệ thống miễn dịch. Vì thế, có thể kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng lành mạnh và thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho hệ miễn dịch được tăng cường.
7. Làm sạch và khử trùng các bề mặt
Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật có thể bị nhiễm virus cúm để hạn chế được phương thức lây truyền qua các tiếp xúc với bề mặt hay đồ vật bị ô nhiễm.
8. Đi khám bác sĩ nếu phát hiện các triệu chứng bất thường
Các triệu chứng do cúm gây ra thường tương tự và dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh cúm thường biểu hiện ở mức độ nặng hơn và diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn. Vì thế, cần chú ý theo dõi ngày khi các triệu chứng bất thường này xuất hiện và đi khám bác sĩ ngay khi nghi ngờ bị cúm để có thể được điều trị kịp thời và đúng cách.
9. Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm
Tiêm vắc xin cúm có hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus cúm cực kỳ cao. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm này cần được thực hiện nhắc lại hàng năm vì virus cúm vô cùng linh hoạt, có khả năng trao đổi vật liệu di truyền và nhanh chóng tạo ra các chủng virus mới đối phó lại hệ miễn dịch của cơ thể.