Tóc bạc cũng là một phần trong quá trình lão hóa, thường xuất hiện khi bước vào độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, nhiều người tóc bạc sớm khi ở độ tuổi thiếu niên hoặc đôi mươi, khiến họ trông già hơn tuổi thật. Vậy cần làm gì đến ngăn tóc bạc sớm?
1. Quản lý căng thẳng để ngăn tóc bạc sớm
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chịu đựng áp lực và căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm.
Sở dĩ, khi chúng ta lo lắng và căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm giải phóng ra noradrenaline. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh, có thể làm di chuyển các tế bào sản xuất melanin ra khỏi nang lông, khiến cho tóc bị bạc màu.
Do đó, sau mỗi ngày bận rộn, hãy thực hành các kỹ thuật thiền, yoga, hoặc tập thể dục để giải tỏa căng thẳng. Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi vào buổi tối cũng là một liệu pháp giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ, ngủ ngon, sâu giấc và tái tạo năng lượng cho ngày mới.
2. Thay đổi lối sống và dinh dưỡng
Duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, khoa học cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm. Cần tránh những thói quen gây hại, bao gồm thức khuya, hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống có cồn…
Cùng với đó, hãy tăng cường những thực phẩm bổ dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, chẳng hạn như:
- Cá hồi: Cá hồi mang đến một lượng vitamin D dồi dào vốn có thể ảnh hưởng đến sắc tố của tóc. Bên cạnh đó, cá hồi cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hỗ trợ cho sức khỏe của mái tóc và làn da, chẳng hạn như omega-3 và protein.
– Hàu: Hàu chứa nhiều biotin, tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo và protein, thúc đẩy tăng trưởng tế bào, có tác dụng ngăn ngừa thiếu máu và cải thiện cholesterol, giúp ngăn ngừa tóc bạc nhờ giữ cho tóc có thành phần protein khỏe mạnh.
- Trứng: Nghiên cứu năm 2016 cho thấy những người bị bạc tóc sớm thường có hàm lượng vitamin B12 trong cơ thể thấp hơn. Bổ sung trứng trong chế độ ăn uống là một cách hữu ích để tăng cường vi chất này.
- Các loại đậu: Đậu lăng, đậu gà là những nguồn cung cấp dồi dào vitamin B9 – vốn rất quan trọng trong việc sản xuất methionine góp phần ảnh hưởng đến màu tóc.
– Kỷ tử: Kỳ tử là thực phẩm giúp đen tóc, có tác dụng hạ cholesterol, hạ huyết áp, kích thích tăng trưởng, chống ung thư, ngăn ngừa tóc bạc và lão hóa để duy trì vẻ trẻ trung, khỏe đẹp.
- Rong biển: Rong biển chứa hàm lượng collagen giúp tăng cường sức khỏe của tóc một cách tự nhiên. Thực phẩm này cũng chứa nhiều kẽm, vitamin A, C và beta-carotene đều rất quan trọng trong việc hỗ trợ mái tóc khỏe mạnh.
3. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất
Tránh sử dụng thường xuyên các loại hóa chất gây hại cho tóc, như thuốc nhuộm và sản phẩm tạo kiểu chứa nhiều hóa chất. Khi nhuộm tóc, bạn nên lựa chọn các loại thuốc nhuộm ít gây tổn thương và dị ứng cho da đầu. Có thể sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng làm đen tóc, giúp tóc chắc khỏe, bao gồm hà thủ ô, hạt đỗ đen, vừng đen hoặc cỏ lúa mạch.
Khi ra ngoài trời, cần đội mũ, nón rộng vành để bảo vệ tóc và da đầu khỏi tác hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời.
4. Hỗ trợ sức khỏe tóc từ bên trong
Bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin B12, selen, đồng, kẽm và các sản phẩm chứa biotin, collagen có thể giúp tóc khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của các sản phẩm này có thể khác nhau tuỳ từng người. Do đó, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bổ sung những loại vi chất nói trên để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tóc bạc sớm có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do lối sống, di truyền hoặc một tình trạng bệnh lý nào đó. Cho đến nay, chưa có phương pháp nào giúp điều trị triệt để tóc bạc sớm. Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì những thói quen sống lành mạnh, khoa học chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với mái tóc nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.