Mẹ tôi 56 tuổi, bị tiểu đường một năm nay, đang uống thuốc và điều chỉnh chế độ ăn, vận động. Có phải người bệnh tiểu đường không được ăn đường? (Hồng Thủy, Vũng Tàu)
Trả lời:
Đường là một dạng carbohydrate (carb), có mặt trong nhiều loại thực phẩm như cơm, bánh mì, xôi, trái cây, sữa… Người bệnh tiểu đường lo lắng rằng ăn đường khiến bệnh trầm trọng hơn. Thực tế, tế bào cần một số loại đường để hoạt động; trong đó, đường glucose là nguồn nhiên liệu quan trọng cho cơ thể và não bộ. Do đó, dù bị tiểu đường, người bệnh cũng không thể ngừng ăn thực phẩm chứa đường.
Đường trong cơ thể một phần đến từ carb. Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ phân hủy thành glucose, tạo ra năng lượng cho tế bào. Carb đơn giản như kẹo, đường ăn bị phân hủy nhanh chóng, đưa một lượng đường nhanh chóng vào máu. Các loại carb phức tạp hơn chẳng hạn cơm, bún, phở, miến… phân hủy chậm hơn và cung cấp một lượng đường ổn định hơn theo thời gian.
Ở người bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất insulin chuyển lượng đường ra khỏi máu và đưa vào tế bào sử dụng làm nhiên liệu cho hoạt động sống. Nếu bị tiểu đường, tuyến tụy không sản xuất đủ hoặc tế bào sử dụng insulin không hiệu quả (còn gọi là kháng insulin). Đây là nguyên nhân khiến đường tích tụ trong máu, làm tổn thương các mạch máu và gây ra các biến chứng lên tim, mạch máu, thận, mắt…
Ăn quá nhiều đường làm tăng đường huyết gây biến chứng. Nhưng bị tiểu đường không có nghĩa không được ăn đường. Khi dùng đường, người bệnh phải biết các loại đường ẩn và chúng chứa bao nhiêu calo; đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, chọn carb nhiều chất xơ, ít đường để kiểm soát đường huyết. Nếu quá thèm ngọt, bạn có thể ăn một ít món có vị ngọt vừa phải như sơ ri, bưởi, cam; nếu quá thèm chè, có thể ăn 1-2 muỗng nhỏ.
Không có số liệu chính xác một người bệnh tiểu đường nên ăn bao nhiêu gam đường trong một ngày. Vì mỗi người có thể trạng và tình hình sức khỏe khác nhau. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyên người bệnh tiểu đường nên ăn ít hơn 9 muỗng cà phê hoặc 36 g đường, tương đương với 150 calo; tránh dùng thức uống có vị ngọt, hạn chế thực phẩm chế biến. Thay vào đó, người bệnh nên dùng các món ăn chưa qua chế biến, ít ngọt.
Bên cạnh calo và đường, người bệnh cần quan tâm đến lượng carb của thức ăn. Sau khi vào cơ thể, carb phân hủy thành đường. Vì vậy, nếu thấy trên nhãn dinh dưỡng ghi “không đường”, điều đó không có nghĩa thực phẩm đó không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến đường huyết. Carb ảnh hưởng đến đường huyết giống như các dạng đường.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ không khuyến nghị giới hạn carb hàng ngày cụ thể cho người bệnh tiểu đường vì nó được cá nhân hóa. Tuy nhiên, chế độ ăn mỗi người cần 250 g carb một ngày. Người bệnh cần ăn ít hơn lượng carb này. Trước khi chọn thực phẩm, người bệnh nên biết tổng số gam carb trong thực phẩm hoặc đồ uống và ước tính khẩu phần chính xác.
BS.CKI Đặng Thị Oanh
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM
Nguồn: vnexpress.net