Rối loạn ăn uống là tình trạng thường xuất hiện ở một số người với biểu hiện ăn uống mất kiểm soát và thậm chí ăn cả khi không thấy đói. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số nguyên nhân dẫn đến các tình trạng này.
1. Nguyên nhân gây ăn mất kiểm soát
1.1. Căng thẳng
Căng thẳng kéo dài làm cơ thể gia tăng nồng độ hormone cortisol. Để tiếp thêm năng lượng cho cơ thể sau một cuộc gặp căng thẳng, cortisol tăng tiết làm cho bạn có cảm giác ăn nhiều hơn. Nếu căng thẳng là trạng thái gần như liên tục xảy ra thì nó sẽ thôi thúc cơ thể tìm đến những món ăn nhẹ.
1.2. Mệt mỏi
Khi cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, hormone ghrelin sẽ tăng lên và tạo cảm giác thèm ăn. Trong khi đó, nồng độ leptin giảm xuống nên làm giảm cảm giác đói. Và kết quả của sự phối hợp này chính là bạn sẽ ăn bất chấp ngay cả khi không thấy cảm giác đói.
1.3. Lo lắng
Lo lắng có mối liên hệ chặt chẽ với chứng rối loạn ăn uống. Ăn uống vô độ có thể là một cách giúp bạn kiểm soát nỗi lo và trạng thái căng thẳng.
1.4. Hiệu ứng từ những người xung quanh
Không hẳn việc ăn uống vô độ không kiểm soát đều xảy ra khi bạn cảm thấy căng thẳng hay lo lắng, mà đôi khi trạng thái vui vẻ phấn khích cũng khiến bạn làm điều này. Nhiều người rất dễ bị cuốn vào niềm vui của một sự kiện và bỏ qua những dấu hiệu cho thấy hiện tại bạn không đói và không cần phải ăn uống theo mọi người.
1.5. Rượu bia
Rượu bia làm giảm bớt sự ức chế lẫn giảm khả năng tính toán về thời điểm và số lượng đồ ăn nên ăn. Mặc khác, sử dụng rượu bia cũng làm cho bạn ăn phải những món đồ ăn kém lành mạnh hơn, chẳng hạn như thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống rượu ảnh hưởng đến vùng não bộ có chức năng giám sát khả năng tự kiểm soát của bản thân khiến bạn khó cưỡng lại các bữa ăn nhẹ ngon miệng.
1.6. Hình ảnh về đồ ăn
Các nghiên cứu cho thấy những hình ảnh quảng cáo về đồ ăn trên mạng xã hội và xung quanh sẽ góp phần kích thích khả năng ăn uống trong bạn.
2. Có nên ăn sáng khi không đói?
Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cơ thể không có nhiều sự thay đổi đặc biệt về việc bỏ bữa ăn sáng. Bữa sáng không giúp tăng cường quá trình trao đổi chất và việc không ăn sáng cũng không phải là nguyên nhân làm bạn ăn quá nhiều và tăng cân. Ăn hay nhịn bữa sáng là lựa chọn của bạn, nếu như cảm thấy đói hoặc bạn là người có thói quen ăn sáng thì có thể dùng một bữa sáng khoa học giàu protein là tốt nhất. Nhưng nếu không cảm thấy đói và không cần ăn sáng thì bạn có thể không cần dùng nó.
Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc đến những ảnh hưởng xấu đến cơ thể về tác hại của bỏ bữa sáng. Điều này sẽ làm cơ thể bạn hao hụt năng lượng vì khi sau khi thức dậy, lượng đường cung cấp cho cơ thể đang ở mức thấp và bữa sáng chính là lúc bổ sung năng lượng cho một ngày dài.