Trầm cảm là một bệnh liên quan đến cơ thể, khí sắc, hành vi, tình cảm, tư duy của bệnh nhân. Nó ảnh hưởng đến cách ăn, ngủ của bệnh nhân cũng như ảnh hưởng đến suy nghĩ của bệnh nhân về mình, và cách nhìn nhận mọi vật xung quanh. Rối loạn trầm cảm là một hội chứng rất hay gặp ở người phụ nữ nhất là phụ nữ lớn tuổi. Nó hiện diện trên 20% phụ nữ, và tỷ lệ này càng tăng trong giai đoạn chung quanh tuổi mãn kinh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trầm cảm có liên quan mật thiết với tình trạng hormon của người phụ nữ, và nó sẽ dễ dàng xuất hiện ở những phụ nữ có những xung đột về tâm lý như thay đổi học bổng của con, tình trạng kinh tế suy giảm.
Tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Lukaszewiez (2006) nghiên cứu trên 62 phụ nữ quanh mãn kinh, tuổi trung bình là 43,5 tuổi nhận thấy trầm cảm xuất hiện với tỷ lệ 30,5%, loạn thần chiếm tỷ lệ là 22,5%. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 4,6% dân số của Puerto Rico ít nhất đã từng có trầm cảm trong đời và tần suất này tăng dần theo tuổi. Để kiểm chứng điều này, Suau (2005) nghiên cứu cắt ngang trên phụ nữ quanh tuổi mãn kinh (40 – 55 tuổi) tại phòng khám khám phụ khoa Medical Sciences Campus của đại học Puerto Rico thấy tỷ lệ trầm cảm là 39,1%. Hayden (2001) và cộng sự nghiên cứu cắt ngang trên 581 phụ nữ 45 – 54 tuổi ở Durham bằng cách phỏng vấn qua điện thoại thấy có 168 người chiếm tỷ lệ 28,9% đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm. Bromberger và cộng sự nghiên cứu trên 3302 phụ nữ người Mỹ gốc Châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản và người da trắng từ 42 đến 52 tuổi thấy tỷ lệ trầm cảm là 23%. Tolea (2006) nghiên cứu 1350 phụ nữ ở miền Đông nam nước Mỹ với tuổi trung bình là 75 thì thấy tỷ lệ trầm cảm là 31%. Chedraui (2006) nghiên cứu trên các phụ nữ đã mãn kinh tại Equador thấy một tỷ lệ rất cao (67,4%) phụ nữ cảm nhận mình bị trầm cảm. Yahya (2002) thực hiện nghiên cứu cắt ngang 1337 phụ nữ mãn kinh tự nhiên ở Lahore thấy rằng: tuổi trung bình đi vào mãn kinh là 49 ± 3.6 tuổi, trung vị là 50 tuổi. 66.2% mãn kinh một cách đột ngột. Các rối loạn bao gồm: khó ngủ (65.4%); hay quên (57.7%); triệu chứng tiết niệu (56.2%), lo âu (50.8%) và trầm cảm (38,5%).
Ước tính đến 2030, dân số phụ nữ mãn kinh trên thế giới sẽ là 1,2 tỉ. Tại Việt Nam, độ tuổi trung bình của thời kỳ mãn kinh là 50 năm và tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt là 81,1 tuổi, vậy thì hầu hết phụ nữ sẽ dành khoảng một phần ba cuộc đời trong giai đoạn mãn kinh.
Tại Việt Nam hiện tại có rất ít tác giả quan tâm đến khả năng trầm cảm ở phụ nữ quanh mãn kinh. BS CKII. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có tiến hành khảo sát 144 phụ nữ quanh tuổi mãn kinh thấy trầm cảm xuất hiện đến 37.9%.
Các yếu tố dễ dẫn đến trầm cảm
Nghiên cứu Harvard (2006) trên 460 phụ nữ quanh tuổi mãn kinh tuổi từ 36 – 45 không có chẩn đoán trầm cảm trước đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trầm cảm xuất hiện tăng gấp hai lần ở những phụ nữ đi vào mãn kinh so với những phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt, và trầm cảm đặt biệt có liên quan đến những phụ nữ có các triệu chứng rối loạn vận mạch. Tác giả Cohen đề nghị cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để tìm mối tương quan giữa trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh với một số yếu tố như: sử dụng hormon thay thế, có những sự kiện bất lợi trong cuộc sống.
Suau (2005) với mục đích khảo sát tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ 40 – 55 tuổi đến khám tại phòng khám phụ khoa Medical Sciences Campus của đại học Puerto Rico. Đây là nghiên cứu cắt ngang từ tháng 6 năm 2000 đến tháng 12 năm 2000. Kết quả khảo sát trên 64 phụ nữ quanh tuổi mãn kinh (40 – 55 tuổi) thấy trầm cảm có liên quan với các yếu tố bao gồm: trình độ học vấn, đã từng phải đi thăm khám về tâm sinh lý, tiền căn đã được chẩn đoán trầm cảm và sử dụng những thuốc chống suy nhược cơ thể, tỉ lệ trầm cảm là 39,1%.
Hsu (2005) với mục đích thăm dò chất lượng giấc ngủ của phụ nữ mãn kinh các các yếu tố liên quan cũng như hậu quả của nó. Ông thực hiện một nghiên cứu cắt ngang khảo sát 197 phụ nữ mãn kinh tại Đài Loan cho thấy rằng có 42,1% phụ nữ mãn kinh có rối loạn giấc ngủ và trầm cảm có liên quan mật thiết với tình trạng rối loạn giấc ngủ. Các yếu tố liên quan đến tình trạng rối loạn giấc ngủ bao gồm: lo lắng trong nghề nghiệp, tiền căn bệnh mãn tính, tình trạng kinh nguyệt, số bệnh mãn tính mắc phải và các rối loạn tiền mãn kinh.
Sử dụng hormon thay thế có liên quan mật thiết với tình trạng trầm cảm ở tuổi mãn kinh. Nhiều nghiên cứu trên thế giới thấy rằng hormon thay thế làm giảm được triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh. Olson (2004) với mục đích khảo sát ảnh hưởng của HRT với tình trạng tâm lý (bao gồm trầm cảm) của phụ nữ mãn kinh. Ông thực hiện nghiên cứu đoàn hệ (Cohort study) trên 463 phụ nữ sau mãn kinh nhận thấy rằng việc sử dụng hormon thay thế có liên quan mật thiết với điểm tiêu chuẩn tâm lý tốt và trầm cảm xuất hiện với tỷ lệ thấp (p<0,04). Một nghiên cứu tại Mỹ thấy rằng 80% phụ nữ mãn kinh có những thay đổi tích cực trong tinh thần sau khi sử dụng estrogen đường uống.
Wassertheil-Smoller (2004) muốn khảo sát mối liên hệ giữa các bệnh lý tim mạch và triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh. Tác giả theo dõi 93676 phụ nữ (WHI: The Women’s Health Initiative Observational Study), trầm cảm được đánh giá theo thang điểm Center for Epidemiological Studies Depression Scale. Sau khi khử các yếu tố như tuổi, chủng tộc, học vấn, thu nhập . . . nhận thấy trầm cảm có liên quan mật thiết với các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và tình trạng bệnh lý hiện tại (tăng huyết áp OR=1.12; đột quị OR=1.6). Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là: hút thuốc lá, dinh dưỡng thấp kém, kém vận động, dư cân béo phì, tăng huyết áp, tăng cholesteron máu, tiểu đường (Australian Institute of Health and Welfare).
Harlow (2003) nghiên cứu trên một cộng đồng phụ nữ 36 – 45 tuổi quan sát thấy trầm cảm ở lứa tuổi quanh mãn kinh có liên quan mật thiết với tiền sử có trầm cảm trong cuộc đời (RR=1.2) và sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống suy nhược (RR=3).
Maartens (2002) muốn chứng tỏ triệu chứng trầm cảm có liên quan mật thiết với sự mất kinh của phụ nữ. Tác giả phỏng vấn tất cả các phụ nữ Cap-ca sinh từ năm 1941 đến năm 1947 ở thành phố Eindhoven. Thang điểm đánh giá trầm cảm là EDS (Edinburgh Depression Scale). Kết quả nghiên cứu cho thấy trầm cảm có liên quan với một số yếu tố: thất nghiệp (OR=3.1), thất bại trong công việc (OR=1.7); khó khăn tài chính (OR=2,9); chồng mất (OR=2,6); con mất (OR=5,9); tiền căn trầm cảm (OR=2.0).
Trong nghiên cứu của tác giả Tolea đã đề cập ở trên, tác giả tìm thấy mối liên quan giữa trầm cảm mãn kinh với tình trạng loãng xương và mới gãy xương. Còn tác giả Chedraui (2006) tìm thấy mối liên quan giữa trầm cảm mãn kinh với tình trạng béo bụng và tăng triglycerite máu.
Tác giả Bernard L. Harlow, một nhà tâm lý học có rất nhiều nghiên cứu về trầm cảm. Từ năm 1989 đến năm 1992, tác giả thực hiện nghiên cứu bệnh chứng (Case-control study) trên khoảng 10.000 phụ nữ 45 – 54 tuổi ở Boston nhằm chứng minh sự liên quan của việc có điều trị trầm cảm với tình trạng mãn kinh sớm. Nhóm bệnh là phụ nữ mãn kinh từ 40 – 46 tuổi. Nhóm chứng là các phụ nữ mãn kinh sau 47 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây mãn kinh sớm ở người phụ nữ. Để kiểm chứng lại giả thuyết trên, tác giả thực hiện thêm một nghiên cứu đoàn hệ[4] trên mẫu phụ nữ 36 – 45 tuổi, trong đó gồm có 332 phụ trữ trầm cảm và 644 phụ nữ không trầm cảm. Nghiên cứu kéo dài trong 36 tháng, mỗi sáu tháng tác giả định lượng FSH một lần để theo dõi chức năng buồng trứng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trầm cảm có liên quan mật thiết với việc suy chức năng buồng trứng sớm.
Trong nghiên cứu cụ thể trên phụ nữ Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – BV Từ Dũ khảo sát thấy:
– Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh không có con có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.75 lần so với những người có con.
– Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến người thân có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 5.02 lần so với những người khác. Trong đó:
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có chồng chết có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 8.73 lần so với những người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có con ra ở riêng có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 14.63 lần so với những người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có con thì có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.63 lần so với những người khác
– Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến công việc có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 4.51 lần so với những người khác.
– Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến bệnh tật có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 1.65 lần so với những người khác.
– Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có triệu chứng tiền mãn kinh có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 4.76 lần so với những người khác. Trong đó:
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh bị bốc hỏa có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.72 lần so với những người khác
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh bị khó ngủ có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.69 lần so với những người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh bị hồi hộp có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.63 lần so với những người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh bị đau nhức xương có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.32 lần so với những người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh bị giảm trí nhớ có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 2.18 lần so với những người khác .
Chúng ta phải làm gì ?
Chúng tôi kiến nghị những phụ nữ trong tuổi quanh mãn kinh nhất là những phụ nữ có triệu chứng tiền mãn kinh rầm rộ cũng như có tình trạng gia đình, kinh tế không may mắn cần được khám và tầm soát trầm cảm để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời những rối loạn trầm cảm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ giúp họ vượt qua một cách nhẹ nhàng giai đoạn khó khăn này của cuộc đời.